TẦM QUAN TRỌNG CỦA CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ
Tư duy thay đổi của mỗi công dân hôm nay - Góp phần hoàn thiện, phát triển và đổi mới Đất nước tương lai.
Ngày 09/01/2025 Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2025/NĐ-CP ngày 09/01/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/01/2025). Căn cứ Điểm 5, khoản 2, điều 1 Nghị định 07/NĐ-CP ngày 09/01/2025 về “sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực”, quy định: “Đối với yêu cầu đăng ký kết hôn, cơ quan đăng ký hộ tịch tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của người yêu cầu đăng ký kết hôn trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh thông qua kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
UBND xã Tịnh Minh triển khai thông tin đến toàn thể công dân được biết một số điểm mới của Nghị định 07/2025/NĐ-CP như sau:
Đối với lĩnh vực hộ tịch:
- Giấy tờ xuất trình khi đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch: Người yêu cầu phải xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, Thẻ căn cước, Căn cước điện tử, Giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Đối với việc đăng ký khai sinh, khai tử: Trường hợp người yêu cầu đã nộp bản điện tử Giấy chứng sinh, Giấy báo tử hoặc cơ quan đăng ký hộ tịch đã khai thác được dữ liệu điện tử có ký số của Giấy chứng sinh, Giấy báo tử thì không yêu cầu người dân nộp bản giấy. Đồng thời, khi đăng ký khai sinh trong trường hợp cha mẹ trẻ đã đăng ký kết hôn, trên cơ sở thông tin về Giấy chứng nhận kết hôn mà người dân cung cấp trong Tờ khai, cơ quan đăng ký hộ tịch không yêu cầu người dân phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn mà tự tra cứu thông tin cha mẹ của trẻ trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh thông qua kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Đối với thủ tục kết hôn; nhận cha, mẹ, con: có thể nộp hồ sơ qua 3 hình thức: Trực tiếp, bưu chính, trực tuyến. Đồng thời, đối với thủ tục đăng ký kết hôn (kể cả đăng ký kết hôn tại UBND cấp huyện và UBND cấp xã), cơ quan đăng ký hộ tịch tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của người yêu cầu đăng ký kết hôn trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh thông qua kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
- Về việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân: Không cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam để đăng ký kết hôn trong nước (kể cả UBND cấp huyện và UBND cấp xã). Chỉ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để kết hôn tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác.
Theo đó, cơ quan đăng ký hộ tịch tự tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh thông qua kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp không tra cứu được do chưa có thông tin trong cơ sở dữ liệu thì cơ quan đăng ký hộ tịch phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc xác minh. Thời hạn xác minh là trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh, UBND cấp xã nơi nhận được đề nghị xác minh có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và gửi kết quả về tình trạng hôn nhân của người đó về cơ quan yêu cầu.
Như vậy, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nhất đến với Nhân dân khi thực hiện thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch nói riêng. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân thì mỗi công dân phải thực hiện nghĩa vụ như thế nào để góp phần hoàn thiện Dữ liệu dân cư Quốc gia???
Vâng, công dân cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc làm sạch dữ liệu của mỗi cá nhân trong Dữ liệu dân cư. Công dân phải trung thực trong việc tự kiểm tra, khai báo và tự giác điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chúng ta cùng tìm hiểu về Thủ tục điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Trình tự, thủ tục điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Nghị định 70/2024/NĐ-CP:
Trường hợp điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư:
Theo Điều 6 Nghị định 70/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước 2023, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là việc điều chỉnh thông tin của công dân khi có sự thay đổi hoặc sai sót trong quá trình thu thập, cập nhật, quản lý thông tin thông qua việc kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác hoặc theo đề nghị của công dân.
Thủ tục điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư:
Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có liên quan kiểm tra, xác thực và bảo đảm đồng bộ dữ liệu tự động, chính xác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu khác.
Nếu công dân có đề nghị, trình tự, thủ tục điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như sau:
Công dân đề nghị điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan Công an nơi gần nhất;
- Hồ sơ đề nghị gồm: Phiếu đề nghị giải quyết thủ tục về căn cước;
- Trường hợp cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ không phải là Công an cấp xã công dân cư trú thì cơ quan Công an nơi tiếp nhận phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị điều chỉnh thông tin tới Công an cấp xã nơi công dân thường trú hoặc nơi tạm trú đối với trường hợp công dân không có nơi thường trú hoặc nơi ở hiện tại đối với trường hợp công dân không có nơi thường trú, nơi tạm trú để giải quyết và thông báo kết quả cho công dân;
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị điều chỉnh thông tin của công dân, Trưởng Công an cấp xã nơi công dân cư trú có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý, tính chính xác của các thông tin trước khi điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trường hợp từ chối điều chỉnh thông tin thì phải trả lời, nêu rõ lý do.
* Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Căn cứ Điều 9 Luật Căn cước 2023, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm các thông tin sau đây:
1.Họ, chữ đệm và tên khai sinh.
2.Tên gọi khác.
3.Số định danh cá nhân.
4.Ngày, tháng, năm sinh.
5.Giới tính.
6.Nơi sinh.
7.Nơi đăng ký khai sinh.
8.Quê quán.
9.Dân tộc.
10.Tôn giáo.
11.Quốc tịch.
12.Nhóm máu.
13.Số chứng minh nhân dân 09 số.
14.Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp.
15.Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện.
16.Nơi thường trú.
17.Nơi tạm trú.
18.Nơi ở hiện tại.
19.Tình trạng khai báo tạm vắng.
20.Số hồ sơ cư trú.
21.Tình trạng hôn nhân.
22.Mối quan hệ với chủ hộ.
23.Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình.
24.Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
25.Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.
26.Thông tin khác theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, công dân cần tự kiểm tra, thường xuyên rà soát và cập nhật 26 trường thông tin này để đảm bảo thực hiện đúng pháp luật và kịp thời thay đổi các thông tin cá nhân đúng quy định. Đảm bảo cung cấp thông tin chính xác khi phát sinh thủ tục hành chính cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ./.